“Xóa án tích” được quy định tại Chương X của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015). So với Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS 1999) thì “Xóa án tích” theo quy định của BLHS 2015 có nhiều quy định khác theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội. Cũng chính vì BLHS 2015 có nhiều quy định khác so với BLHS 1999 nên quá trình thực tiến áp dụng pháp luật ở một số vụ án, một số trường hợp cụ thể còn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong việc xác định người phạm tội đã được xóa án tích hay chưa. Việc xác đã xóa án tích hay chưa xóa án tích có ý nghĩa hết sức quan trong trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng, tình tiết định khung “Tái phạm” “Tái phạm nguy hiểm” hoặc là yếu tố định tội “Đã bị kết án, chưa được xóa án tích…”.
Theo khoản 2 Điều 69 BLHS 2015 quy định “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”. Điều 107 BLHS 2015 quy định “Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; b) Người tủ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”. Như vậy BLHS 2015 đã quy định rõ một số trường hợp không bị coi là có án tích.
Về đương nhiên xóa án tích, theo khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 quy định “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng; b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm…”; c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình được giảm án…”. Như vậy BLHS 2015 quy định có lợi hơn BLHS 1999, theo hướng rút ngắn thời gian đương nhiên xóa án tích và thời gian để tính đương nhiên xóa án tích từ khi chấp hành xong hình phạt chính đến ngày phạm tội mới, riêng đối với hình phạt bổ sung, các quyết định khác chỉ cần người phạm tội thi hành trước thời điểm phạm tội mới. Để hiểu rõ hơn về những quy định này ta có thể phân tích thêm một số ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: Tháng 2/2015, Nguyễn Văn A (trên 18 tuổi) bị kết án 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”; buộc bồi thường cho bị hại B với số tiền 20 triệu đồng và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí hình sự sơ thẩm. Tháng 2/2017, A chấp hành xong hình phạt tù và đã thi hành xong phần án phí HSST và án phí DSST vào tháng 11/2020. Chưa bồi thường số tiền 20 triệu đồng cho người bị hại B, do bị hại B không làm thủ tục đề nghị thi hành án dân sự. Tháng 3/2021 Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là 01 xe mô tô trị giá 34 triệu đồng của ông B.
Trong trường hợp này việc xác định bản án năm 2015 kết án đối với Nguyễn Văn A đã được xóa án tích hay chưa được xóa án tích để xác định lần phạm tội vào năm 2021 của A có thuộc trường hợp “Tái phạm” hay không? còn có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng bản án kết tội A năm 2015 đã được xóa án tích nên A không phạm tội thuộc trường hợp “Tái phạm” vì: A đã chấp hành xong hình phạt chính quá 02 năm, mặc dù bản án năm 2015 tuyên buộc A bồi thường cho B 20 triệu đồng nhưng B không yêu cầu thi hành án và theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì thời hiệu mà bị hại B yêu cầu thi hành án cũng đã hết. Do đó lần phạm tội năm 2021 của A không thuộc trường hợp tái phạm.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả cho rằng bản án kết tội A năm 2015 chưa được xóa án tích nên lần phạm tội của A vào năm 2021 thuộc trường hợp tái phạm vì: Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 quy định “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: … b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm…”. Theo câu văn của điều luật thì việc xác định xóa án tích phải đảm bảo điều kiện cần là đã chấp hành xong hình phạt chính và không phạm tội mới trong thời hạn nhất định; Điều kiện đủ là phải chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án trước ngày thực hiện tội phạm mới. Trong trường hợp ví dụ nêu trên mặc dù A đã chấp hành xong hình phạt chính quá 02 năm, nhưng A chưa chấp hành phần quyết định của bán án buộc bồi thường cho B số tiền 20 triệu đồng là chưa “chấp hành xong các quyết định khác của bản án” nên chưa thỏa mãn điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS. Về vấn đề quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là để xác định thời hạn đương sự thực hiện quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thi hành án, hết thời hiệu thì đương sự không có quyền yêu cầu, tức là không có sự can thiệt, cưỡng chế từ cơ quan thi hành án dân sự buộc A phải bồi thường cho B nhưng về nghĩa vụ thì A vẫn phải có nghĩa vụ bồi thường cho B số tiền 20 triệu đồng. Mặt khác pháp luật thi hành án dân sự còn quy định nhiều phương thức thi hành án khác để người phải thi hành án thi hành như tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án... Quan điểm này cũng phù hợp với giải đáp tại điểm 7, mục I của Công văn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.
Ví dụ 2: Tháng 6/2013, Nguyễn Văn A (17 tuổi) bị kết án 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 138 BLHS 1999 (Tội phạm nghiêm trọng), tháng 12/2014, A chấp hành xong hình phạt tù và chấp hành xong các quyết định khác của bản án. Năm 2016 A tiếp tục trộm cắp tài sản, tháng 6/2016 A bị kết án 03 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng “Tái phạm”. Tháng 12/2018, A chấp hành xong hình phạt tù, nhưng chưa chấp hành xong phần án phí và bồi thường dân sự. Đến tháng 3/2021 A tiếp tục trộm cắp tài sản của Trần Văn B 01 xe mô tô trị giá 30 triệu đồng.
Trong trường hợp này việc xác định lần phạm tội năm 2021 của A thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng lần phạm tội tháng 3/2021 của A thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm vì bản án tháng 6/2016 đã kết án A về tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng “Tái phạm”. Bản án này do A chưa thi hành phần án phí và trách nhiệm dân sự nên chưa được xóa án tích. Do đó, lần phạm tội của A vào tháng 3/2021 thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS 2015.
Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Lần phạm tội vào tháng 3/2021 của A chỉ thuộc trường hợp tái phạm vì: Bản án năm 2013 kết án A 02 năm tù về tội trộm cắp tài sản sản, thời điểm này A mới 17 tuổi. Theo quy định tại điều 107 BLHS2015 thì “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm” được xem là không có án tích. Như vậy, mặc dù bản án năm 2016 đã có hiệu lực pháp luật, nhưng trong trường hợp này cần áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điều 107 BLHS 2015 xác định bản án đã tuyên đối với A vào năm 2013 là không có án tích. Như vậy, khi xét xử A đối với lần phạm tội năm 2021 chỉ xác định A tái phạm đối với bản án năm 2016.
Ví dụ 3: Tháng 5/2013, Nguyễn Văn A (trên 18 tuổi) bị kết án 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, tháng 01/2015, A chấp hành xong hình phạt tù và các quyết định khác của bản án. Tháng 01/2016, A phạm tội mới, tháng 6/2016 bị kết án 03 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng “Tái phạm”. Tháng 12/2018, A chấp hành xong hình phạt tù chưa chấp hành xong phần án phí và bồi thường dân sự. Đến tháng 6/2021 A tiếp tục trộm cắp tài sản của Trần Văn B 01 xe mô tô trị giá 20 triệu đồng.
Cũng tương tự như trường hợp ở ví dụ thứ 2: Trong trường hợp này việc xác định lần phạm tội năm 2021 của A thuộc trường hợp tài phạm hay tái phạm nguy hiểm cũng có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Lần phạm tội của A vào năm 2021 chỉ thuộc trường hợp “tái phạm” vì: Theo quy định tại điều 73 Bộ luật hình sự quy định “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời điểm xóa án tích cũ được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính …. của bản án mới…”. Bản án năm 2013 thì đến 01/2015, A đã chấp hành xong hình phạt chính và các quyết định khác của bản án, đến năm 2016 phạm tội mới nên thời điểm để xác định xóa án tích của bản án năm 2013 được tính lại từ tháng 12/2018 với thời hạn là 02 năm thì đến tháng 12/2020 thì Bản án năm 2013 kết án với A đã được xóa án tích. Do đó lần phạm tội năm 2021 của A chỉ tái phạm đối với bản án năm 2016.
Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả cho rằng lần phạm tội năm 2021 của A thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS 2015 vì: Đồng tình với cách tính thời gian đương nhiên xóa án tính ở quan điểm thứ nhất là Bản án năm 2013 sẽ được tính lại từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2020 thì bản án năm 2013 đã đương nhiên xóa án tích. Tuy nhiên theo điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS 2015 thì tái phạm nguy hiểm là trường hợp “Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Theo nội dung câu văn của điều luật phải hiểu “Đã tái phạm” tức là bản án kết án A với tình tiết “Tái phạm” trong trường hợp cụ thể này là bản án năm 2016 và “chưa được xóa án tích” chính là bản án tái phạm chưa được xóa án tính (bản án năm 2016) chứ không phải là bản án làm cơ sở xác định tái phạm (bản án năm 2013). Do đó, trong trường hợp này phải xác định lần phạm tội vào năm 2021 thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm”.
Do thực tiến thi hành BLHS 2015 hiện nay vẫn có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau trong việc xác định “xóa án tích” và cách xác định “Tái phạm”, “Tái phạm nguy hiểm” trong quá trình áp dụng BLHS 2015 ảnh hưởng đến việc xác định tình tiết nặng nặng, tình tiết định khung “Tái phạm”, “Tái phạm nguy hiểm” và yếu tố định tội “Đã bị kết án, chưa được xóa án tích…” . Do vậy cần phải hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, nâng cao chất lượng công tác xét xử của Tòa án.
Phan Văn Cương
Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng