Loading...
Skip to main content

Ủy ban Tư pháp Quốc hội khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

(18/04/2023 17:32)

Nhằm thu thập thông tin, phục vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 trình Quốc hội thông qua, sáng ngày 18/4/2023, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội (UBTPQH) do đồng chí Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm UBTPQH làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TAND thành phố Đà Nẵng và Tòa án Quân sự Quân khu V về việc chấp hành các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

image

Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn khảo sát còn có đồng chí Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực UBTPQH cùng các đồng chí đại diện Ban Dân nguyện UBTPQH; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thiếu tướng Trần Duy Hòa, Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; đồng chí Ngô Văn Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao; đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Tiền Giang, tỉnh KonTum, thành phố Đà Nẵng. Về phía địa phương có đồng chí Lương Công Tuấn, Thành ủy viên, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố; Đại tá Lê Việt Dũng, Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu V. Về phía TAND thành phố có đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TAND thành phố Trần Đình Quảng và Nguyễn Anh Tuấn; các đồng chí Chánh tòa Tòa chuyên trách, Trưởng phòng Phòng nghiệp vụ, Chánh án TAND các quận, huyện thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố và quận Hải Châu.

image

Đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng,

Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Đoàn đã nghe đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND thành phố trình bày báo cáo các nội dung khảo sát từ ngày 01/10/2017 đến 30/9/2022. Theo đó, TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng đã giải quyết, xét xử 41.986/42.577 vụ việc các loại, đạt tỷ lệ 98,6%. Số lượng các vụ, việc mà TAND hai cấp thành phố phải thụ lý giải quyết thời gian qua tăng bình quân 3%/năm với tính chất ngày càng phức tạp nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng; tỷ lệ án bị hủy và sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt chỉ tiêu Quốc hội và TAND tối cao giao.

Đối với án hình sự, TAND thành phố Đà Nẵng đã xét xử 1.627/1.629 vụ với 2.873/2.893 bị cáo. Đạt tỷ lệ 99,9% về số vụ và 99,3% về số bị cáo. Công tác giải quyết xét xử các vụ án hình sự luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa trên tinh thần cải cách tư pháp được chú trọng thực hiện thường xuyên, chất lượng được nâng lên, không có trường hợp nào kết án oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm được đưa ra xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người phạm tội đảm bảo việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự (nói chung) và vụ án hành chính, TAND thành phố hai cấp thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giải quyết, đảm bảo đúng quy định của pháp luật pháp luật, đảm bảo bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Theo đó đã giải quyết được 967 vụ việc dân sự trên tổng số 1.018 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,9%. Đối với loại án hành chính đã giải quyết xét xử 211/242 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 87,2%.

image

Đồng chí Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm UBTPQH chủ trì buổi làm việc

Để tạo bước đột phá trong giải quyết án dân sự, hành chính, TAND tối cao đã xây dựng Đề án “đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính”, TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng là một trong những Tòa án địa phương được lựa chọn thí điểm thực hiện công tác này, việc thực hiện thí điểm đã giảm áp lực đáng kể cho Tòa án. Đến nay việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND.

Bên cạnh đó, đồng chí Chánh án TAND thành phố cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, như:

Số lượng biên chế phân bổ tại các Tòa chuyên trách; nhất là Tòa Dân sự quá ít, không đủ để cơ cấu bộ máy lãnh đạo. TAND mỗi quận, huyện chỉ có 02 Phó Chánh án, trong khi khối lượng công việc Tòa án phải giải quyết rất lớn. Thẩm phán, Thư ký khi giải quyết án dân sự, hành chính đóng vai trò như Điều tra viên, tức là phải thực hiện tất cả các thủ tục tố tụng từ khi thụ lý đến sau khi xét xử, nhất là việc phải trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành giải quyết 01 vụ án.

Điều 75 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định về một số chế độ, chính sách đối với các chức danh tư pháp Tòa án nhưng thực tiễn khi thi hành công vụ, Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác phải thường xuyên tiếp xúc nhiều với tội phạm, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay cơ chế, biện pháp bảo vệ cho các chức danh tư pháp tại Tòa án chưa đảm bảo.

Ngoài ra, còn có một số bất cập khác cũng được đồng chí Chánh án TAND thành phố đề cập như về quy định nhiệm kỳ Thẩm phán; chế độ chính sách, tiền lương đối với người giữ chức danh tư pháp, nhất là Thẩm phán; chế độ, chính sách đối với Hội thẩm nhân dân; một số vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; kinh phí hoạt động; điều kiện về công nghệ thông tin;…

image

Qua báo cáo của đại diện lãnh đạo TAND thành phố và Tòa án Quân sự Quân khu V, các thành viên Đoàn khảo sát UBTPQH và các đồng chí tham dự buổi làm việc đã cùng nhau trao đổi một số vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật Tổ chức TAND 2014 như: Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; mô hình tổ chức hệ thống TAND;... Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những mặt hạn chế còn tồn tại.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn khảo sát - Phó Chủ nhiệm UBTPQH Hoàng Văn Liên ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án của TAND hai cấp thành phố rất cao, vượt chỉ tiêu đề ra theo yêu cầu của Quốc hội. Đối với những khó khăn, vướng mắc, bất cập cùng với kiến nghị, đề xuất tại buổi khảo sát, Đoàn sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội.

  Phạm Thị Kiều Hạnh


Các tin khác

Lượt xem: 186
cdscv